Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu ngành da giày Việt Nam đạt 19,5 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành nước đứng thứ 2 trên thế giới về sản lượng xuất khẩu giày dép.
Ngành da giày đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu đạt 21,5 tỷ USD năm 2019, giữ vững tốc độ tăng trưởng 10%.
Công nhân sản xuất giày tại công ty TNHH Phúc Mậu xã Đông Phương, huyện Đông Hưng Thái Bình. Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN
* Xuất khẩu đạt mục tiêu 19,5 tỷ USD
Báo cáo tại hội nghị tổng kết ngành da giày năm 2018 và xây dựng kế hoạch năm 2019 diễn ra ngày 26-12, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, trong 11 tháng năm 2018, kim ngạch xuất khẩu ngành da giày đạt 17,68 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Dự kiến cả năm 2018, xuất khẩu toàn ngành sẽ đạt mục tiêu với 19,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017, chiếm 8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Hiện nay, Việt Nam đang đứng thứ hai thế giới (sau Trung Quốc) về sản lượng xuất khẩu giày dép với khoảng hơn 1 tỷ đôi các loại mỗi năm.
Đặc biệt, giá xuất khẩu trung bình của thế giới là 9,81 USD/đôi, trong khi đó giá của Việt Nam là 15 USD/đôi, cao gấp 1,6 lần so với giá trung bình của thế giới. Điều này cho thấy, chất lượng sản phẩm giày dép của Việt Nam đã được cải thiện và được ghi nhận.
Về thị trường xuất khẩu, hiện giày dép Việt Nam đã có mặt tại trên 100 quốc gia trên thế giới, trong đó có 72 nước có kim ngạch xuất khẩu trên 1 triệu USD. 5 thị trường có kim ngạch lớn nhất (chiếm trên 82,3% tổng kim ngạch xuất khẩu) gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Có thể kể đến một số thị trường có kim ngạch tăng cao như: Mỹ tăng trên 10%; Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản tăng trên 20%... Đây cũng là những thị trường lớn của Việt Nam trong xuất khẩu các sản phẩm túi, cặp khi chiếm tới 85,9% tổng kim ngạch xuất khẩu vali-túi.
Theo Lefaso, trong năm 2018, xuất khẩu túi, vali, ví, cặp của Việt Nam có xu hướng giảm do cạnh tranh mạnh với các nước xuất khẩu.
Tuy vậy, kim ngạch vẫn đạt khá, khoảng 3,5 tỷ USD, trong đó, Mỹ vẫn là thị trường trọng điểm của mặt hàng này. Đây là mặt hàng quan trọng giúp ngành da giày về đích thành công năm 2018.
Đóng góp chủ yếu cho kim ngạch xuất khẩu ngành da giày năm 2018 vẫn là khối doanh nghiệp có đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với kim ngạch 13,97 tỷ USD, chiếm 78,8%.
Tuy vậy, khoảng cách giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước đã có sự thu hẹp.
Công nhân sản xuất giày tại công ty TNHH Phúc Mậu xã Đông Phương, huyện Đông Hưng Thái Bình. Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN
Xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tăng từ 19,5% (năm 2016) lên 21,2% (năm 2018). Đây là dấu hiệu tốt, thể hiện sự khôi phục của các doanh nghiệp trong nước.
Đánh giá về kết quả ngành da giày năm 2018, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, tốc độ tăng trưởng ngành đã có sự bứt phá, duy trì ổn định.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng khẳng định, có được kết quả trên, bên cạnh sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp da giày còn có sự ủng hộ của Chính phủ và các Bộ, ngành trong cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Cùng đó là Lefaso đã thực hiện tốt vai trò kết nối giữa doanh nghiệp và Chính phủ, giúp đề xuất và tháo gỡ kịp thời vướng mắc trong ngành…
* Đưa doanh nghiệp nội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Nhận định về triển vọng phát triển của ngành da giày năm 2019, bà Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, một số hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết chuẩn bị có hiệu lực sẽ là động lực tốt cho tăng trưởng của ngành.
Theo đó, năm 2019 ngành da giày dự kiến giá trị sản xuất công nghiệp tăng khoảng 10%, kim ngạch xuất khẩu đạt 21,5 tỷ USD, giữ vững tốc độ tăng trưởng 10% như năm 2018.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, sang năm 2019, Chính phủ tiếp tục duy trì nền kinh tế vĩ mô với lãi suất hợp lý, công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh.
Đặc biệt Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực sẽ tạo cơ hội rộng mở cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp da giày, đẩy mạnh xuất khẩu.
Công nhân sản xuất giày tại công ty TNHH Phúc Mậu xã Đông Phương, huyện Đông Hưng Thái Bình. Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng sẽ phải đối mặt với trở ngại trong quản lý sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn doanh nghiệp, rào cản kỹ thuật trong thương mại.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nỗ lực cải cách thủ tục hành chính; thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại; tháo gỡ khó khăn trong sản xuất; tập trung hỗ trợ cho ngành về chất liệu, nguyên liệu, mẫu mã, công nghệ mới để ngành phát triển ổn định; thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ trong vốn, công nghệ, đất đai, tín dụng...
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đề nghị, tới đây ngành da giày Việt Nam cần chú trọng đầu tư nguồn nhân lực, xây dựng chiến lược phát triển ngành phù hợp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0.
Bên cạnh đó, Lefaso cần tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước nhằm đưa doanh nghiệp nội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng khẳng định, Chính phủ luôn ủng hộ doanh nghiệp, tuy nhiên chỉ có thể hỗ trợ ở mặt chính sách, hiện thực hoá hiệu quả các chính sách này cần sự chủ động của doanh nghiệp.
Riêng với phát triển công nghiệp phụ trợ, Thứ trưởng nhấn mạnh, da giày là ngành thời trang, thay đổi liên tục, do đó cần phát triển công nghiệp phụ trợ sao cho hợp lý. Mặc dù quá trình thực hiện đòi hỏi nhiều thời gian và nguồn lực, tuy nhiên Lefaso cần có định hướng mới và cụ thể để các cơ quan chức năng của Bộ nghiên cứu, triển khai theo hướng phù hợp./.
Minh Duyên (tổng hợp)