Hiệp định sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu giày dép Việt Nam vào thị trường EU tăng trưởng trở lại...
Đứng trước cơ hội mang lại từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) nhận định, hiệp định sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu giày dép Việt Nam vào thị trường EU tăng trưởng trở lại.
EU luôn là thị trường xuất khẩu giày dép lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua. Nhưng theo bà Xuân, so với trước đây, dù hàng năm xuất khẩu vào thị trường này vẫn có tốc độ tăng trưởng nhưng hiện ở mức độ khiêm tốn, chỉ khoảng 5-6%.
Không lo về xuất xứ
Theo đó, tỷ trọng xuất khẩu vào khu vực này đang suy giảm, hiện chỉ còn khoảng 28-30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Một trong những nguyên nhân làm thị trường này suy giảm là suy thoái kinh tế ở thị trường EU cũng như Brexit tác động đến việc đặt hàng của khách hàng với sản phẩm giày dép của Việt Nam. Chính vì vậy, khi EVFTA có hiệu lực sẽ là đòn bẩy để ngành giày dép lấy lại "phong độ".
Tại tọa đàm về EVFTA do Bộ Công Thương tổ chức, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho biết, trong EVFTA, EU cam kết loại bỏ thuế nhập khẩu ngay khi hiệp định có hiệu lực cho 37% số dòng thuế ngành giày dép, gồm các loại giày chống thấm cao su - nhựa; dép lê, dép đi trong nhà; nguyên phụ liệu ngành giày dép... Số còn lại sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình từ 3 - 7 năm.
Trong lộ trình này, phần lớn là các loại giày dép Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu sang EU. Hiện tại, nhóm này đang được hưởng mức thuế ưu đãi trung bình là 3-4% theo Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).
Khi EVFTA có hiệu lực, GSP sẽ tự động chấm dứt, các mức thuế nhập khẩu đối với giày dép sẽ giảm dần đều xuống 0% tính từ mức MFN (thuế suất nhập khẩu ưu đãi thông thường) khoảng 12,4% theo lộ trình 3 - 7 năm. Có nghĩa, trong vài năm đầu thực thi EVFTA, phần lớn các sản phẩm giày da sẽ không được hưởng lợi từ EVFTA, thậm chí chịu thuế cao hơn (do mức thuế giảm dần đều từ mức 12,4% - cao hơn mức 3-4% theo GSP).
Chia sẻ về những cơ hội từ EVFTA, bà Xuân cho rằng, hiệp định này sẽ giúp Việt Nam nhập khẩu được công nghệ giày dép tốt từ các nước có nền sản xuất giày dép phát triển như Đức, Italia. Đồng thời, nhập khẩu được nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất sản phẩm giày dép ở phân khúc trung và cao cấp.
Một vấn đề nữa, khác với dệt may yêu cầu quy tắc xuất xứ từ vải trở đi, thì theo bà Xuân, với da giày lại không quá khó khăn. Bởi ngành da giày Việt Nam từ trước đến nay vẫn được hưởng thuế suất ưu đãi GSP do phí EU dành cho các nước có nền kinh tế đang phát triển như doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp da giày đã phải đáp ứng các quy tắc xuất xứ này từ trước khi đàm phán EVFTA. Nên quy tắc xuất xứ này gần như không thay đổi, đây là thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp da giày doanh nghiệp hiện nay.
Lo về thách thức nội tại của ngành
Nhưng điều đáng lo ngại, bà Xuân cho rằng, đối với các FTA thế hệ mới như EVFTA, một thách thức xảy ra là gian lận thương mại. Vì được hưởng những lợi ích hấp dẫn nên khả năng gian lận thương mại và làm giả quy tắc xuất xứ hoàn toàn có thể xảy ra. Điều này không chỉ gây tổn hại đến một doanh nghiệp làm sai mà tổn hại đến cả cộng đồng doanh nghiệp trong ngành. Đồng nghĩa với việc nếu một doanh nghiệp làm giả quy tắc xuất xứ thì EU có thể áp đặt gian lận thương mại cho cả ngành công nghiệp. Đây là một thách thức lớn.
Một thách thức nữa, theo ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương, ngành da giày Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn từ các FTA thế hệ mới mang lại, song để tận dụng được, ngành này cần giải quyết các điểm nghẽn đang gặp phải hiện nay. Đó là vấn đề về thương hiệu. Da giày Việt Nam đa số làm gia công nên sản phẩm xuất khẩu chưa mang thương hiệu của doanh nghiệp Việt.
Hơn nữa, đại diện Lefaso cho rằng, ngành da giày Việt Nam hiện vẫn bị đánh giá yếu về mặt thiết kế cũng như tiếp cận thị trường. Ngoài ra là việc phải tuân thủ các tiêu chuẩn, rào cản kỹ thuật rất khắt khe. Đạo luật REACH (kiểm soát hóa chất tồn dư trên sản phẩm) đang là khó khăn nhất với doanh nghiệp xuất khẩu vào EU và luôn luôn cập nhật yêu cầu mới, nếu không đơn hàng sẽ bị loại bỏ...
Tuy nhiên, bà Xuân hy vọng, khi EVFTA được thực thi, sẽ giúp ngành da giày Việt Nam phát triển mạnh hơn, khắc phục được những điểm yếu cố hữu.
Bên cạnh đó, vẫn cần sự hỗ trợ từ phía Chính phủ giúp ngành da giày hội nhập tốt hơn. Như hỗ trợ cung cấp thông tin, cần đa dạng hóa các kênh thông tin để doanh nghiệp tiếp cận nhanh nhất.
Bên cạnh việc cạnh tranh tại thị trường trong nước các doanh nghiệp sản xuất nhôm Việt Nam nên nghĩ đến việc xuất khẩu như là một cách để thoát khỏi cạnh tranh và mang lại hiệu quả cao, TS. Võ Trí Thành nhìn nhận.
Sáng 23/7, Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam đã tổ chức Lễ ra mắt khu vực phía Bắc và Hội thảo Hiệp định Thương mại EVFTA. Theo đó, sự kiện là dịp để các doanh nghiệp nhôm Việt Nam trao đổi về những lợi thế khi áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất cũng như việc đón đầu những cơ hội từ Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU (EVFTA).
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Minh Kế - Chủ tịch Hội nhôm thanh định hình Việt Nam cho rằng, tại thị trường nội địa, các doanh nghiệp sản xuất nhôm trong nước phải cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại. Ngành nhôm Việt Nam còn rất non trẻ, công nghệ cũng chưa tiên tiến, do đó, cần sự tạo điều kiện từ các cơ quan chức năng.
"Ngoài ra, sức cạnh tranh của nhôm Việt Nam so với các nước còn rất yếu, từ tháng 9/2015 nhập khẩu phôi nguyên liệu đầu vào áp thuế 3%, thuế xuất khẩu từ 0% lên 7% rồi điều chỉnh còn 5% khiến xuất khẩu nhôm gặp khó", ông Kế nói.